Trang phục truyền thống của các dân tộc không chỉ là đặc trưng để dễ dàng phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác thông qua hình thức bên ngoài, mà nó còn là biểu hiện khát vọng sinh tồn của dân tộc, ý thức đề cao của dân tộc đó. Người Thái có mặt ở Quỳ Châu vào khoảng thế kỷ XIII - XV với ba nhóm chính là Tày Mường, Tày Thanh, Tày Mười. Tuy thời gian di cư đến đây và nguồn gốc các nhóm địa phương khác nhau nhưng họ rất tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời và được các bà, các mẹ truyền lại cho con gái từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Hồng Bắc
Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái ngày càng phong phú
Trang phục truyền thống của các dân tộc không chỉ là đặc trưng để dễ dàng phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác thông qua hình thức bên ngoài, mà nó còn là biểu hiện khát vọng sinh tồn của dân tộc, ý thức đề cao của dân tộc đó.
Người Thái có mặt ở Quỳ Châu vào khoảng thế kỷ XIII - XV với ba nhóm chính là Tày Mường, Tày Thanh, Tày Mười. Tuy thời gian di cư đến đây và nguồn gốc các nhóm địa phương khác nhau nhưng họ rất tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời và được các bà, các mẹ truyền lại cho con gái từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm là một trong những nghề thủ công truyền thống có vị trí hàng đầu của dân tộc Thái ở Quỳ Châu, Nghệ An. Nghề dệt thổ cẩm trước tiên đáp ứng nhu cầu nhiều mặt trong cuộc sống của đồng bào Thái: các sản phẩm sinh hoạt hàng ngày như quần áo, khăn, màn, váy, nệm, chăn, gối, túi,.. và những sản phẩm dùng trong cưới hỏi, ma chay, nghi lễ tôn giáo. Bên cạnh đó, sản phẩm thổ cẩm cũng được dùng để trao đổi mua bán góp phần tăng thêm thu nhập cho đồng bào Thái ở đây.
Người phụ nữ Thái trước đây ngoài chăm chỉ làm nương rẫy, chăn nuôi sản xuất thì họ còn biết quay tơ, kéo sợi dệt vải tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho gia đình và bạn bè. Người con gái Thái từ xa xưa đã biết trồng dâu nuôi tằm, trồng cây bông để cung cấp sợi cho nghề dệt. Điều này cũng cho chúng ta thấy việc biết dệt thổ cẩm đối với phụ nữ Thái là tiêu chí đánh giá phẩm chất của người phụ nữ Thái trong xã hội truyền thống từ xưa đến nay. Chính vì vậy con gái Thái ngay lúc còn bé đã được các mẹ cõng trên lưng để làm các công việc như nuôi tằm, ngồi dệt vải; Lên 7 đến 8 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải và đã bắt đầu cho tập dệt, tập kéo chỉ xoay tơ đến 14,15 tuổi đã quen với việc thêu thùa, dệt vải. Cho đến khi lập gia đình, các cô gái Thái đã thành thạo nghề canh cửi và có một kiến thức nhất định về các loại sản phẩm thổ cẩm truyền thống, giúp cho họ dệt nên những vật dụng thiết yếu cho mình và gia đình khi tạo dựng cuộc sống mới. Đó là vật hồi môn không gì thay thế được của các cô gái Thái khi về nhà chồng.
Đối với người Thái, nghề dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu cuộc sống sinh hoạt, đem lại giá trị kinh tế mà điều quan trọng nhất là nghề dệt còn chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao, thể hiện quan niệm triết lý của cộng đồng, vì vậy dù đã trải qua lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm nó vẫn được cộng đồng dân tộc Thái huyện Quỳ Châu trân trọng, giữ gìn và phát triển cho mãi đến bây giờ.
Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp đòi hỏi người dệt phải trải qua nhiều công đoạn vì chỉ dùng tay và chân là chính. Người dệt phải dùng những nguyên liệu tự mình tạo nên từ trồng dâu, nuôi tằm và trồng cây bông. Bông sau khi được thu từ nương về để cho thành sợi, phải trải qua rất nhiều công đoạn sơ chế như ỉn phai (cán bông), pựt phai (bật bông), lọ phai (quấn bông), pằn phai (se sợi), hà phai (hồ sợi), sáo lọc (rút sợi), pía đai (cuốn sợi thành con), lăng đai (se sợi đơn thành sợi đôi), phoọc đai (xử lý cho sợi tơ mềm) mới có thể dùng để dệt.
Khi bông được se thành sợi, tùy vào mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm mà người dệt sử dụng lá, quả, cây, củ các loại khác nhau để nhuộm sợi bông, sợi tơ tằm nhằm tạo ra những gam màu đẹp, độc đáo và bền. Thông thường, sợi bông chỉ nhuộm chàm hoặc để màu trắng tự nhiên. Các màu khác để phối màu, khi trang trí thường dùng bằng sợi tơ tằm. Sau khi bông đã được nhuộm, bà con đem vào dệt trên những khung cửi bằng tre hoặc bằng gỗ. Những tấm vải khi dệt lên có thể tạo thành váy, áo, khăn Piêu, thắt lưng hoa (xái hượt boọc), những tấm “Phà”, những tấm vải để may thành chăn, thành nệm, mặt gối, viền màn,...
Ngoài lấy sợi từ trồng bông ra thì bà con dân tộc Thái còn nuôi tằm để kéo kén lấy tơ. Khi kéo tơ, bà con đun một nồi nước to và luôn để trên bếp, giữ ở tình trạng sôi lăn tăn, thả từng nắm kén vào nồi, xâu sợi tơ qua lồng quay tơ, quấn vào khung để tạo thành bó tơ. Tơ tằm là rất dai, bóng và đẹp vì thế, vải tơ tằm thường được dùng trong nghi lễ của người Thái hoặc làm quà biếu, tặng có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần.
Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái rất đa dạng, phong phú, bao gồm: trang phục, vải (vải màu đen, trắng, sọc), chăn hoa (pha bọc), váy thêu (xìn xẻo), khăn thêu (khắn piêu), dải thắt lưng hoa (xái hượt bọc), nệm (xửa), gối (món tậu), màn hoa (xút co khúy), túi mang, túi trầu (thống báng, tịp pu)... Trong các sản phẩm dệt đó thì trang phục trở thành yếu tố quan trọng nhất đối với đời sống của đồng bào Quỳ Châu, đặc biệt là trang phục của phụ nữ, cái mà ở đó bản sắc dân tộc biểu hiện rõ rệt, thường xuyên và lâu bền nhất và là một trong những thành tố cấu thành nét văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người nơi đây.
Một bộ trang phục truyền thống đầy đủ của người phụ nữ Thái bao gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, dây lưng và đồ trang sức đi kèm.
Áo (xưa): Về cơ bản, áo của phụ nữ Thái Quỳ Châu không có gì khác so với áo của vùng Tây Bắc, cả về màu sắc và kiểu dáng. Điểm khác ở đây là ở cách trang trí hàng cúc và khổ áo: khổ áo của phụ nữ Thái Quỳ Châu rộng và dài hơn so với áo phụ nữ Tây Bắc và khác ở chỗ trang trí hàng cúc(1).
Áo của người phụ nữ Thái cũng có nhiều loại khác nhau, tùy vào từng công năng mà có tên gọi và cấu tạo.
“Xưa” là loại áo mặc thông dụng hàng ngày của phụ nữ Thái. Áo khi còn mới, đẹp thì được mặc trong các ngày lễ, ngày hội, ngày cưới; khi áo đã cũ thì mặc trong lao động sinh hoạt hàng ngày, khi lên nương rẫy. Áo cấu tạo kiểu xẻ ngực, có ống tay dài, thường trang trí hai dải vải màu đối lập thành nẹp ở tà và cổ áo, nhưng phổ biến nhất là áo nền trắng - đen. Áo của phụ nữ Thái Quỳ Châu được trang trí bởi hàng cúc bằng nhiều chất liệu như bạc, đồng, xương,... nhưng đặc biệt nhất là hàng cúc bằng sợi chỉ do tự tay người phụ nữ tết thành, mang hình dáng cánh hoa, lá cây,.... Khi mặc áo, hàng cúc cài vào nhau thành những bông hoa, chiếc lá, tạo nên nét nổi bật, nét đặc trưng của từng địa phương.
“Xưa lồm” là loại áo chỉ được dùng vào dịp cầu phúc trong tang lễ. Bất kì cô gái Thái nào khi về nhà chồng đều tự sắm cho mình chiếc áo này. Áo có màu đỏ, được may rộng phủ quá đầu gối, kiểu chui đầu. Loại áo này mặc trong đám tang của bố mẹ hoặc của người thân trong gia đình khi qua đời(2).
Váy: Đi liền với áo (xưa), váy cũng là trang phục truyền thống đặc trưng của người phụ nữ Thái Quỳ Châu không giống các vùng khác, đó là việc trang trí ở chân váy với những đồ án hoa văn rất công phu. Váy được tạo thành bởi hai mảnh vải thổ cẩm ghép thành hai phần gồm thân váy và chân váy. Tuy nhiên, mỗi nhóm người Thái (nhóm Tày Mường và nhóm Tày Thanh) lại có những kiểu váy khác nhau. Váy của phụ nữ Thái đầy đủ gồm 2 lớp: lớp bên ngoài có thân màu chàm đen, lớp bên trong gọi là “xỉn hỏi” dệt bằng sợi vải bông có màu trắng và sọc đen xen kẽ nhau,... Khi người phụ nữ chết thì chiếc “xỉn hỏi” này phải được lấy từ 3 cuộn vải từ 3 lần dệt khác nhau gọi là “xin hỏi xám chưa”, nghĩa là váy được may 3 lần làm dệt vải khác nhau.
Váy của phụ nữ nhóm Tày Mường có đặc trưng nổi bật ở phần tạo màu của chân váy. Chân váy nhóm Tày Mường thường được trang trí hoa văn chính là hình rồng, rắn, mặt trời, thể hiện khát vọng mong mưa thuận gió hòa của cơ dân nông nghiệp trồng trọt; còn nhóm Tày Thanh thường được trang trí các hoa văn hình học như hình thoi, hình quả trám và các hoa văn phụ họa đủ màu sắc hài hòa nhưng cũng rất sặc sỡ. Việc trang trí các mẫu hoa văn khác biệt đó tạo nên giá trị thẩm mỹ, tâm lý và thị hiếu cũng như quan niệm sống của hai nhóm Thái này. Các mẫu hoa văn này được thêu chạy thành từng đường viền quanh gấu bao gồm 3 mảnh hợp lại, trong đó, mảng chạy theo kiểu hoa văn viền là chỗ tạo nên sự khác biệt giữa váy của nhóm Tày Mường với nhóm Tày Thanh. Tiếp nối là mẫu hoa văn chính của váy với các loại hình hoa văn hình kỷ hà mẫu nhiều màu sắc. Mảng cuối cùng lại tiếp tục thêu kiểu hoa văn viền. Váy của phụ nữ Tày Mường bao giờ cũng dệt hoa văn viền xếp thành từng đường chạy theo chiều ngang(3) điều đó tạo nên sự khác biệt giữa váy của phụ nữ nhóm Tày Mường với nhóm Tày Thanh.
Trong nếp sống truyền thống, phụ nữ Thái mặc váy chấm gót chân. Lối mặc váy này chỉ thấy ở nhóm Tày Mường, còn nhóm Tày Thanh lại mặc cao hơn, ngắn và gọn hơn. Rồi cũng tùy vào từng công việc mà họ lại có những cách mặc khác nhau: khi làm việc nhà họ mặc váy dài đến mắt cá chân, khi lao động ngoài ruộng nương thì họ lại mặc theo lối quấn váy lên cao cho gọn gàng để không bị bẩn và để thuận tiện làm việc. Vào dịp lễ tết, hội hè thì phụ nữ Thái lại có trang phục riêng. Trái với ngày thường, vào dịp lễ tết, hội hè, phụ nữ Thái mặc váy chùng xuống tận gót chân, để có dáng đi thướt tha, uyển chuyển cùng đồ trang sức bằng bạc lấp lánh. Điều này để thể hiện nếp sống văn hóa của người Thái và cũng thấy rõ mối quan hệ bền chặt giữa trang phục với cuộc sống cộng đồng. Người Thái quan niệm, mặc đẹp không phải chỉ cho mình mà còn để đẹp cả cộng đồng - văn hóa tộc người.
Khăn đội đầu: Khăn của phụ nữ Thái Quỳ Châu rất được chú trọng trang trí và có nét đặc trưng riêng. Khăn được chia làm các loại khác nhau như khăn dùng trong lao động sản xuất hàng ngày và khăn trong các dịp lễ tết, hội hè.
Khăn dùng trong ngày thường thì thường đơn giản, được gọi là khăn đắm. Khăn chỉ là một dải vải màu trắng hoặc nhuộm chàm, không trang trí hoa văn, dùng để quấn che đầu khi ở nhà hay đi làm, ai cũng có thể đội và đội bất cứ lúc nào. Khăn này rộng khoảng 40-50cm, dài từ 150-200cm. Nếu khăn nhuộm màu đen thì dành cho phụ nữ, gọi là “khắn bọc”, có nghĩa là khăn hoa. Hoa ở đây không phải do thêu, dệt thành mà là do khi nhuộm, người ta cột vải lại vào chỗ ở 2 đầu khăn làm sao nhuộm những chỗ này không thấm màu, nhuộm xong mở ra thì có vài chỗ vải trắng như hoa.
Khăn dùng trong các dịp lễ hội, lễ tết thì phụ nữ Thái phải đội khăn Piêu, tức là khăn được làm cầu kỳ và trang trí đẹp hơn. Kích thước của khăn thì cũng tương tự như khăn đắm, được dệt bằng vải tơ hoặc vài bông, nhưng được nhuộm nền chàm. Trên nền đó, người phụ nữ Thái sẽ thêu, dệt các hoa văn bằng các loại chỉ màu khác nhau ở hai đầu khăn, các góc tết thành “sừng” (cút piêu), thành “tai” (hú piêu), tết càng dài càng đẹp vì nó buông xuống như sợi tua xanh, đỏ, tím, vàng,... nhìn vô cùng sặc sỡ, bắt mắt. Khăn Piêu có 2 mặt, mặt dưới/ trong và mặt trên/ ngoài (nà piêu) để phô ra, cần phải dày công thêu thùa nhất. Hoa văn trên mặt Piêu thường là những ô vuông, quả trám đặt chếch nhau, hình hoa lá, con vật như khỉ, ngựa, hình đường viền song song, hình răng cưa, móc câu, tam giác đối đỉnh nối tiếp nhau, lặp đi lặp lại. Phần tâm khăn Piêu (giữa đỉnh đầu) được thêu hoa 8 cánh để làm nổi bật. Phụ nữ Thái ở Quỳ Châu, trước khi quấn khăn thường búi tóc lên đỉnh đầu rồi cài trâm. Riêng nhóm Tày Mường, khi có chồng, con gái phải búi tóc ngược cẩu phổm hay gọi là tằng cẩu giống người Thái Đen ở Tây Bắc. Khăn được người ta xếp thành hình trái tim hoặc hình mái nhà khi đội lên đầu.
Trong tổng thể trang phục phụ nữ Thái, nghệ thuật trang trí trên khăn Piêu chiếm một vị trí rất quan trọng. Đây là sản phẩm văn hóa đặc sắc, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất người phụ nữ Thái, là “biểu hiện của tư duy thẩm mỹ dân gian được tiếp nối qua nhiều thế hệ”(4).
Dây lưng (xái hượt): Đây cũng là một bộ phận không thể thiếu trong bộ nữ phục của phụ nữ Thái, góp phần làm phong phú và tăng thêm vẻ đẹp cho phụ nữ Thái. Người Tày Thanh gọi là “xái éo”.
Dây lưng của hai nhóm Thái Quỳ Châu cũng có nhiều điểm khác nhau. Nhóm Tày Thanh được làm bằng sợi bông, thường được để trắng tự nhiên hoặc nhuộm màu nâu nhạt. Mỗi một dây lưng gồm 2-3 con sợi. Kích thước thắt lưng dài khoảng 2,5-3m, rộng khoảng 18-20cm. Khi quấn nhóm Tày Thanh thường lấy đầu tay trái luồn vào đầu tay phải rồi kéo về phía tay trái sau đó dắt vào trong.
Dây lưng nhóm Tày Mường được dệt bằng tơ, sau đó nhuộm nhiều màu. Có hai loại dây lưng, một loại gọi là dây lưng dải được khâu vắt hai đầu và nhuộm màu xanh phổ biến. Loại nữa là dây lưng ống, nhuộm màu đỏ và thêu hai đầu, sau đó gập vuông góc và khâu nối chiều dài của vải lại thành hình ống. Khi buộc, nhóm Tày Mường thường thắt nút và buông thõng hai đầu khăn phía trước như một cách trang trí.
Ngoài ra, đi kèm trong trang phục của phụ nữ Thái còn có các đồ trang sức khác như: trâm cài, vòng cổ, hoa tai, vòng tai, vòng tay, xà tích,... thường được tạo hình từ chất liệu kim loại như bạc, nhôm,... Việc tạo hình được dựa trên hình dáng bộ phận cơ thể (cổ, cổ tay) hay từ chức năng của nó trong mối quan hệ với các bộ phận cơ thể con người (trâm, hoa tai,...) nhằm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Thái nơi đây.
Các sản phẩm từ dệt thổ cẩm, đặc biệt là trang phục của phụ nữ Thái thể hiện đặc điểm của cư dân nông nghiệp trồng trọt, biết tìm tòi các nguyên liệu trong tự nhiên để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện lối sống, quan niệm thẩm mỹ, tư tưởng xã hội, tín ngưỡng,... là biểu trưng cho nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người nơi đây.
Ngày nay, hàng thổ cẩm Thái ngày càng được phát triển, các sản phẩm dệt ngày càng đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu không chỉ đối với của cuộc sống hàng ngày mà đáp ứng được nhu cầu trong phát triển hàng hóa với nhiều sản phẩm mới như: túi xách, bóp đựng tiền, áo đàn ông cách điệu, váy áo đóng cả bộ, khăn, địu... được bán trong các dịp lễ hội hang Bua (Quỳ Châu), mường Ham (Quỳ Hợp), các tuyến du lịch như thác Xao Va (Quế Phong), Pù Mát (Con Cuông)…
Có thể nói hàng dệt thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu với những họa tiết sinh động, phong phú, nhã nhặn đã thực sự trở thành một món hàng hóa được nhiều người biết đến, chiếm được tình cảm của nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt là nghệ thuật nhuộm màu sử dụng các loại chất liệu tự nhiên của người Thái nơi đây là một nét đặc sắc riêng có đã nâng cao giá trị hàng dệt Quỳ Châu lên thành một sản phẩm thời trang cao cấp. Hiện chính quyền địa phương huyện Quỳ Châu luôn quan tâm để tuyên truyền và vận động bà con giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Làng Thái cổ Hoa Tiến, xã Châu Tiến hiện là một trong những nơi được huyện Quỳ Châu chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng. Du khách đến đây sẽ được tự mình trải nghiệm cách dệt vải thổ cẩm trên khung cửi, qua sự hướng dẫn của các mẹ, các chị, các bà. Du khách cũng có thể tham gia nhiều hoạt động gắn với cuộc sống hàng ngày của cư dân nơi đây như giã gạo bằng tay, vào bếp để tự chế biến các món ăn dân dã của đồng bào Thái. Về đêm sẽ được hòa mình vào điệu nhảy sạp, khắc luống và ngất ngay trong men rượu cần dưới ánh lửa bập bùng. Tất cả là nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc người, của vùng đất được coi là cái nôi của vùng văn hóa của người Thái cổ.