Người “chắp cánh” cho thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến

Biên phòng - Sinh ra và lớn lên tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, cái nôi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, chị Sầm Thị Tình (sinh năm 1987) có niềm đam mê với nghề truyền thống từ thuở bé. Chị lớn lên với niềm khao khát có thể đưa thổ cẩm Hoa Tiến tiến xa hơn ra thị trường quốc tế.

Hoa Tiến nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, nơi đây được xem là cái nôi của nền văn hóa Thái cổ với nhiều nét đẹp như những nếp nhà sàn cổ nối tiếp nhau san sát, xen lẫn hương nồng cay của rượu cần và những mảnh vải thổ cẩm độc đáo. Lớn lên trong không gian văn hóa độc đáo và khác biệt như thế, chị Sầm Thị Tình đã sớm “phải lòng” những tấm thổ cẩm đẹp như tranh vẽ.

Chị Sầm Thị Tình cho biết, nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở bản Hoa Tiến đã có từ rất lâu đời. Thêu và dệt thổ cẩm là công việc mà người con gái và người phụ nữ Thái nào cũng cần phải biết. Họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn piêu... phục vụ bản thân và gia đình. Khi lớn lên, các cô gái Thái chuẩn bị các bộ trang phục, của hồi môn để khi lấy chồng mang theo và làm quà tặng ông bà, bố mẹ chồng... Thổ cẩm với những hoa văn độc đáo từ bao đời nay là thứ không thể tách rời trong đời sống tinh thần và tình yêu với nghề truyền thống.

Người phụ nữ Thái đã nhen nhóm và dẫn dắt Sầm Thị Tình đến với niềm đam mê mang tên thổ cẩm ấy chính là mẹ của chị - bà Sầm Thị Bích. Ngay từ nhỏ, chị được mẹ dạy cho cách thêu dệt. Ban đầu là tự làm những tấm vải thổ cẩm với hoa văn đơn giản mà Sầm Thị Tình tự nghĩ ra. Với chị, màu xanh của cây rừng, màu hồng, màu đỏ của những cánh hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời trên từng khuông vải đã trở nên vô cùng thân thuộc, như hơi thở, như cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Chị Sầm Thị Tình kể: “Mẹ tôi là người đã dẫn dắt tôi tạo ra những sản phẩm thổ cẩm mang tính thương mại đầu tiên trên thị trường và cũng là người tạo thêm động lực để tôi đưa sản phẩm thổ cẩm của gia đình, quê hương ra thị trường trong nước và quốc tế”. Những sản phẩm từ thổ cẩm được đưa ra thị trường, ban đầu là chiếc ví cầm tay xinh xắn, thú bông, khăn choàng, dép thổ cẩm, vỏ gối... Sau đó, Sầm Thị Tình đã tìm tòi, học hỏi và thiết kế nhiều mẫu mã mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Bằng óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, người phụ nữ sinh năm 1987 này đã biến vải vụn thành những sản phẩm mang đặc trưng của thổ cẩm Hoa Tiến tinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đó cũng là lối đi riêng mà cô gái Thái đã chọn để góp phần phát triển Hợp tác xã (HTX) Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến.

HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến còn có tên gọi khác là Hoa Tiến Brocade, là HTX sản xuất vải thổ cẩm tại bản Hoa Tiến - một trong những cái nôi dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Sáng lập năm 2010 bởi bà Sầm Thị Bích, HTX mong muốn lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho những người phụ nữ nơi đây. Tiếp nối nghề của mẹ mình, chị Sầm Thị Tình đã mở hiệu dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên ngay tại Hà Nội để quảng bá sâu rộng hơn nghề thổ cẩm truyền thống địa phương.

Hiện nay, Sầm Thị Tình đang phụ trách mảng kinh doanh và marketing tại HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Chị mang sản phẩm của HTX giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước thông qua các kênh bán hàng truyền thống, hội chợ thương mại và mạng xã hội. Ngoài ra, chị còn là người tìm kiếm và kết nối giữa HTX với các cửa hàng, bảo tàng, các nhà thiết kế trong nước và quốc tế... để tạo thêm nhiều đơn hàng, từ đó, tạo thêm thu nhập cho chị em trong HTX, góp phần trang trải cuộc sống.

Mang sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến nơi vùng cao xa xôi vươn ra thế giới là khao khát chuyển mình lớn lao của Sầm Thị Tình. Chặng đường đó, chị đã gặp không ít những khó khăn. Chị chia sẻ: “Đó là những trở ngại khi tiếp cận thị trường, làm thế nào để ngày càng nhiều người biết tới sản phẩm thổ cẩm. Rồi những khó khăn về đầu tư trang thiết bị để phục vụ  việc tạo ra sản phẩm hoàn thiện; trăn trở tìm đầu ra cho sản phẩm đảm bảo ổn định; thách thức khi tiếp cận với khách nước ngoài”... Chừng ấy khó khăn không làm cô gái Thái nản lòng.  Không chỉ tiếp thu nền văn hóa đặc sắc của người Thái, Sầm Thị Tình còn nắm vững các kỹ thuật thêu dệt, nên khi giới thiệu về sản phẩm, cô dễ dàng chuyển tải tới khách hàng một cách dễ hiểu, hấp dẫn. Xác định đấy cũng chính là thế mạnh của bản thân cần khai thác để tạo điểm khác biệt, thu hút và giữ chân khách hàng, Sầm Thị Tình đã tự tin tham gia các kỳ triển lãm, trưng bày sản phẩm, tự mình giới thiệu.

Chị còn tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện tại nhà để giới thiệu về cách dệt, thêu, nhuộm vải bằng chất liệu tự nhiên của dân tộc mình cho khách hàng. “Qua các chương trình đó, nhiều nhà thiết kế, các cửa hàng biết và tìm đến chúng tôi để đặt hàng. Hiện nay, các sản phẩm của HTX không chỉ được bán ra thị trường trong nước, mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, nhất là tại một số nước như Lào, Đức, Pháp, Ô-xtrây-li-a... Thu nhập bình quân của các chị em trong HTX từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu ước tính cả năm của HTX khoảng 500 triệu đồng” - Chị Sầm Thị Tình cho biết.

Theo: https://www.bienphong.com.vn/nguoi-chap-canh-cho-thuong-hieu-tho-cam-hoa-tien-post292894.html

Để lại nhận xét của bạn

Tất cả các nhận xét đều phải qua kiểm duyệt nội dung trước khi được đăng lên

Cộng đồng Nghệ nhân Luki

Hãy tham gia cộng đồng sáng tạo. Nơi các nghệ nhân như bạn chia sẻ và đóng góp cho sự phát triển của làng nghề Việt Nam.

Luki cam kết Miễn phí đăng ký cửa hàng và đăng sản phẩm.

"Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

Đăng ký cửa hàng Luki BẤM VÀO ĐÂY