Sau nhiều thăng trầm bể dâu, cùng sự biến mất của dòng sông Dâu cổ do bồi lắng, gốm Luy Lâu bị thất truyền từ thế kỷ 17. Phải 300 năm sau đó, đất Thuận Thành, Bắc Ninh (vùng Luy Lâu xưa) mới xuất hiện người có tâm phục dựng. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã đem hết tâm huyết và tài học để phục dựng thành công chất men gốm Luy Lâu, vốn được lấy từ các loại tro, thân cây dâu ở vùng Dâu – Keo. Đất làm gốm cũng là đất bãi vùng Dâu, thêm chút sỏi đá của rừng, vỏ sò điệp của biển, được thổi hồn bởi những nét họa điệu nghệ, được tôi luyện bởi kỹ thuật phơi, nung khéo léo, chuẩn xác. “Chất men đó riêng biệt và duy nhất, chẳng giống men nào ở Việt Nam và trên thế giới. Gần 40 năm trong nghề của tôi, rồi qua các cuộc khai quật, hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng nói Gốm Luy Lâu đã trở thành thương hiệu lịch sử cách đây 2.000 năm. Sản phẩm gốm Luy Lâu đã được tham dự những sự kiện lớn APEC, WTO, được những khách hàng trong và ngoài nước mến mộ, đã xuất khẩu đi các nước Pháp, Đức, Nhật, Mỹ”. Đến đời tôi đã được học hỏi từ rất nhiều nghệ nhân từ khắp các làng nghề Việt Nam, những kiến thức quý báu đó tôi tâm nguyện rằng, những ai yêu gốm thì hãy về với Luy Lâu chúng tôi sẵn sàng mở cửa, truyền dạy mỹ thuật, thiết kế, chế tác sản phẩm. Không như ngày xưa, các cụ sợ mất bản quyền nên giấu nghề, còn bây giờ đã có luật bản quyền, chúng tôi chẳng việc gì phải giấu cả để mọi người cùng biết giá trị của nó”, Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông, người sáng lập Công ty gốm Luy Lâu, chia sẻ tâm nguyện.
NGƯỜI ĐÁNH THỨC DÒNG GỐM NGHÌN TUỔI - Hoạ sỹ - Nghệ nhân Quốc Gia - Nguyễn Đăng Vông
