# Nếu có một cuộc hẹn hò với định mệnh, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông có lẽ là người phù hợp để thực hiện lời hẹn đó một cách đầy đủ và trọn vẹn, dù hành trình ấy có không ít đắng cay, vất vả. Định mệnh ở đây chính là dòng gốm cổ Luy Lâu. Nghìn năm tỏa sáng, 300 năm thất truyền để rồi cuối cùng, nét văn hóa quý phái của người Việt cổ ấy đã tìm được kẻ chân truyền.
Nguyễn Đăng Vông sinh trưởng tại làng Mãn Xá Tây, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), địa danh gắn liền với dòng sông Dâu trong lịch sử, nơi khởi nguồn cho đạo Phật ở Việt Nam cùng ngôi chùa Dâu cổ kính.
Là cậu cả trong gia đình có năm anh em, Nguyễn Đăng Vông từ nhỏ đã được tiếp xúc với các món đồ chơi bằng đất nung do ông nội làm đem ra chợ bán. Ngày ngày, cậu bé ra bờ sông lấy đất khô về nhào nặn, quết màu rồi chế ra những tượng đồ vật, thú nuôi ngộ nghĩnh.
Trò chơi thuở ấu thơ đã nuôi dưỡng đam mê và theo chân chàng trai quê Kinh Bắc vào Đại học mỹ thuật Hà Bắc. Dù đã trở thành một họa sĩ, Nguyễn Đăng Vông chưa bao giờ nguôi nỗi khắc khoải với gốm.
Vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa vùng Dâu, có kinh nghiệm và “sự gàn” đậm chất nghệ sĩ, Nguyễn Đăng Vông đã bỏ hết tâm huyết và sự nghiệp để tìm hiểu về gốm. Ông đã đi qua hầu khắp các làng gồm lừng danh ba miền, học hỏi tinh hoa từ các nghệ nhân đi trước, rồi đạ thành tựu, trở thành một bậc tài danh ở làng Gốm Bát Tràng, nhưng ông luôn hướng về vùng Dâu.
Sau một lần theo chân các nhà khoa học, trong đó có mục sở thị việc khai quật dòng gốm đỏ Phùng Nguyên – Đông Sơn, từ những cuộc luận đàm với các nhà khoa học, nhà khảo cổ, kết hợp với tìm tòi cứ liệu lịch sử, Nguyễn Đăng Vông hạ quyết tâm làm hồi sinh gốm Luy Lâu, một dòng gốm cổ là kết tinh của văn hóa, nghệ thuật vùng Dâu, nơi quê cha đất tổ.
Gốm Luy Lâu có màu xanh ô-liu độc đáo so với các dòng gốm nổi tiếng khác như Bát Tràng, Phùng Nguyên, Đông Sơn. Đặc biệt, đây là dòng gốm quý phái chỉ dành cho giới quý tộc, quan lại, xây thành quách, đền đài, các vật trang trí nghệ thuật giá trị liên thành. Suy nghĩ duy nhất của ông lúc đó là, “vùng đất cha ông đã có một dòng gốm lừng danh, đã có công thức biến đất thành vàng, cớ sao lại không làm sống lại những lò nung đã nguội lạnh hàng nghìn năm?”
Cá tính nghệ sĩ trỗi dậy, Nguyễn Đăng Vông từ một họa sĩ bỗng trở thành một “kẻ hành khất”. Từ thập niên 1990, ông bán đất, bán xe, cầm cố cả đất hương hỏa cha ông để dấn thân vào nghề làm gốm. Dân làng từng cho rằng ông là “ấm đầu” vì suốt ngày nghịch đất mà mãi nghèo vẫn hoàn nghèo.
Có khi nhà hết gạo ăn, ông lại nặn những bình gốm nhỏ để vợ con mang ra chợ bán. Thiếu tiền xây lò nung, ông chở đất sang Phù Lãng nung nhờ. Nhiều người đàm tiếu ông “hâm nặng” vì chưa có ai chuốt lọ gốm cao tới 2 mét mà đốt thành công cả.
Nhưng bằng sự kiên định và niềm tin sắt đá, hóa sĩ Nguyễn Đăng Vông đã thử nghiệm liên tục, thức trắng nhiều đêm bên lò nung và đạt được mục tiêu. Từ công thức tạo phôi, ông cũng lần mò ra bãi đất bồi quê hương để phục dựng lại hệ men hữu cơ màu xanh ô-liu trang nhã năm xưa, vốn được làm từ tro thân cây dâu, sỏi đá của rừng, vỏ sò của biển.
Cứ thế, từng chút, từng chút một, các họa tiết, hoa văn gần gũi với văn hóa dân gian như con trâu, đầm sen, lễ hội… được những bàn tay, khối óc sáng tạo trong sự thăng hoa của “vũ điệu người, đất và lửa”.
Sau 40 năm theo nghề, Nguyễn Đăng Vông cùng các cộng sự trong Hợp tác xã Gốm Luy Lâu, Công ty cổ phần Gốm Luy Lâu đã khẳng định được năng lực và kỹ nghệ qua hàng nghìn sản phẩm gốm thượng hạng mà nguyên liệu chính là đất quê hương. Cái danh “Vông gốm Dâu” cũng đã là thương hiệu của ông.
Có lẽ, những người từng chê ông gàn dở cũng không thể tin một ngày, gốm do ông chế tác lại trở thành những món quà tặng, món đồ trưng bày trong các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC, WTO. Những bức tượng Phật từ đất cổ Luy Lâu tôn nghiêm, những chiếc lục bình đơn giản mà ánh lên sắc xanh ô-liu quý tộc, nền nã, những sản phẩm gia dụng như lư hương, ấm chén, chậu rửa lavabo, bộ nhà tắm… mang thương hiệu Luy Lâu không còn xuất hiện lẻ tẻ ở một vài cá nhân nhà sưu tầm, mà đã len lỏi trong nhiều khu resort, khách sạn sang trọng, các hộ gia đình, người dùng phổ thông.
Với Nguyễn Đăng Vông, thành công không chỉ là đưa gốm Bắc Ninh đạt giải Quả cầu vàng trong triển lãm, ghi danh sản phẩm gốm vào danh mục Tinh hoa Việt Nam, thành công không chỉ là nhiều sản phẩm được ra mắt công chúng, mà còn là sự kế thừa, tiếp nối nghề làm gốm.
Ông tin rằng, với tiến bộ khoa học công nghệ, với việc bảo vệ tài sản trí tuệ, tác quyền thương hiệu như ngày nay, chẳng có lý do gì phải “giấu nghề” như các bậc tiền nhân thuở trước. Ông sẵn sàng thu nạp các nghệ nhân trẻ từ khắp mọi miền Tổ quốc, không chỉ là vùng Kinh Bắc, để được truyền thụ, được lan tỏa tình yêu với gốm.
Ở tuổi lục tuần, người nghệ nhân có một sự tự tin nhất định, cổ nhân gọi là “biết mình”. Ông tin rằng, những kiến thức mình lĩnh hội được, những kết tinh từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú của ông, khôi phục nên dòng gốm cổ nghìn năm từ con số 0, sẽ là một điều gì đó có thể khuyến khích thế hệ tương lai.
Người đàn ông ấy đã cống hiến hết tinh hoa đời người cho gốm, ông đã hoàn thành cuộc “hẹn hò” với định mệnh, trở thành một nét gạch nối trong dòng chảy văn hóa lịch sử tưởng đã tàn phai, trở thành người “thổi lửa” thực thụ cho những lò nung đã nguội lạnh nghìn năm.
Thật khó để hiểu, Nguyễn Đăng Vông đã chọn gốm Luy Lâu, hay Gốm Luy Lâu đã chọn Nguyễn Đăng Vông vậy/.
Nguồn: https://gomluylau.com/index.php/2021/01/08/nguyen-dang-vong-va-cuoc-hen-ho-nghin-nam-voi-gom/